Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Thông tư 28 của Bộ Công an Việt Nam ban hành cách nay không lâu bị cho là ‘không đạt tới mức cần thiết để hạn chế việc công an lạm quyền’, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) vừa ra thông cáo chỉ trích.

Tuy nhiên, tổ chức này cũng cho rằng Thông tư đã là ‘bước tiến so với những quy định trước đó’.
Thông tư về công tác điều tra hình sự trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Trần Đại Quang ký ban hành sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 25/8.

Đã xảy ra nhiều vụ công an đánh đập nghi phạm đến chết ở VIệt Nam
Quan ngại

Trong thông cáo của mình, HRW bày tỏ quan ngại về việc Thông tư 28 quá đề cao vai trò của công an khu vực mà họ cho là ‘kém chuyên nghiệp nhất trong ngành công an’.

“Công an khu vực có ít phương tiện nhất và được đào tạo ít nhất trong việc thụ lý các can phạm và hỏi cung và họ thường xuyên dính vào các vụ đánh đập can phạm trong quá trình giam giữ,” HRW phân tích.
“Giao cho họ nhiệm vụ điều tra với những hướng dẫn không rõ ràng chỉ càng tạo ra cơ hội cho họ sử dụng những biện pháp bạo hành để thu thập chứng cứ và lời khai.”


Ngoài ra, việc thông tư cũng dùng danh từ ‘người phạm tội’ để gọi những nghi phạm đang bị điều ra cũng bị HRW lên án với lý do điều này vi phạm nguyên tắc một ai đó được xem là vô tội cho đến khi bị tòa kết tội.

Thông tư 28 cũng bị cho là ‘hạn chế thay vì mở rộng vai trò của luật sư bào chữa’ – vốn rất quan trọng trong việc bảo vệ quy trình tố tụng, theo HRW.

Tổ chức nhân quyền này phân tích rằng việc công an được Thông tư 28 khuyến khích ‘thu thập bằng chứng chứng minh cho hành động gây khó khăn cho việc điều tra’ được cho là ‘đã cho công an quá nhiều quyền lực’ để họ có thể quyết định một tùy tiện hoạt động bào chữa nào là phù hợp hay và cái nào là cần phải trừng phạt.

HRW cũng lên án chính quyền Việt Nam ngăn cản Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức một hội nghị bàn về Thông tư 28 hôm 16/8 sau khi công an can thiệp với nơi cho thuê địa điểm tổ chức.

Ông Nguyễn Thanh Chấn buộc phải nhận tội vì bị nhục hình?
“Các luật sư không cần phải vất vả như vậy để mà gặp nhau thảo luận về những quy định ảnh hưởng đến công việc và khách hàng của họ,” ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực châu Á của HRW, nói.

“Việt Nam không thể mong trở thành một nước ủng hộ pháp trị nếu nước này vẫn cản trở các luật sư làm công việc của mình.”

HRW khuyến nghị Việt Nam cần nói rõ về điều khoản ghi rằng ‘công an điều tra phải chịu trách nhiệm trước cấp trên và luật pháp’. Theo HRW, cần làm rõ là trách nhiệm trước cấp trên ở đây không được đặt trước trách nhiệm trước luật pháp nhất là khi cấp trên có thể đã từng lạm dụng quyền lực.

“Tình trạng công an Việt Nam lạm dụng quyền lực đã hoành hành trong những năm qua vì chính phủ đã không thể kiềm chế được các quan chức vi phạm nhân quyền,” ông Robertson phát biểu trong thông cáo.
“Nếu Chính phủ Việt Nam có ý chí chính trị để nghiêm túc thực thi (Thông tư 28) thì những quy định mới này sẽ bắt đầu quá trình đảm bảo các vi phạm của công an bị điều tra và khởi tố.”


Nguồn: BBC












Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

BBT nhận được đơn của anh Nguyễn Đăng Sơn, tố cáo Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, nhận thấy đơn tố cáo với những thông tin có căn cứ, BBT xin trích nguyên văn gửi quý bạn đọc:

Trương Hòa Bình, Chánh án tòa án Nhân dân tối cao

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

ĐƠN KIẾN NGHỊ VỀ ĐỒNG CHÍ TRƯƠNG HÒA BÌNH

Kính gửi: Bộ Chính trị

Đồng chí Trương Hòa Bình về Tòa án đã được mấy năm đủ để chúng tôi hiểu rõ và đầy đủ về đồng chí Bình. Nguyên là Thứ trưởng Bộ Công an, nhưng không hiểu tại sao, đồng chí Trương Hòa Bình hầu như không biết gì về điều tra, truy tố, xét xử tội phạm và công tác phòng chống tội phạm. Mỗi khi họp liên ngành Tòa án - Viện kiểm sát - Công an, cán bộ tòa án chúng tôi cảm thấy rất ngượng bởi đồng chí Trương Hòa Bình phát biểu lung tung, nói sai thuật ngữ chuyên môn, trái với Luật tố tụng hình sự và chính sách hình sự của Đảng, Nhà nước. Còn khi đồng chí Trương Hòa Bình làm việc với Tòa Hình sự, anh em chỉ biết nhìn nhau mà không dám cười, đành bảo nhau, chánh án có quyền, nên nói gì thì nói, còn chúng ta phải dựa vào luật mà làm, không thể đứng trên luật hay trái luật được.

Chuyên môn là vậy, trong công tác tổ chức, đồng chí Trương Hòa Bình rất độc đoán, chuyên quyền, thích ai thì bổ nhiệm người đó, ghét thì trù dập, Ban cán sự Đảng trở thành nơi đồng chí Bình hợp pháp các quyết định của mình, các đồng chí Phó Chánh án cũng không dám phản ứng, vì biết rằng có cản cũng không được. Dư luận anh em trong cơ quan còn nói rằng, mỗi một trường hợp bổ nhiệm là đồng chí Chánh án được mấy “quyển” (một “quyển” là: 10.000 USD). Đặc biệt, có trường hợp đồng chí Bình bổ nhiệm vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng, Nhà nước, như đưa anh Hà là cán bộ Công an (hiện vẫn là sỹ quan Công an) sang làm thư ký, sinh hoạt ở Vụ Tổ chức, rồi ép bổ nhiệm anh Hà làm Vụ trưởng Vụ tổ chức. Khi các đồng chí lãnh đạo Tòa án không đồng tình vì trái nguyên tắc Đảng, dư luận thẩm phán, cán bộ Tòa án tối cao phản ứng, đồng chí Trương Hòa Bình dọa nạt, ép bằng được để anh Hà giữ chức Vụ phó phụ trách Vụ tổ chức. Cán bộ, công chức Tòa án nhân dân tối cao hết sức bất bình, nhưng không dám nói vì sợ trù dập.

Chúng tôi không hiểu tại sao với tài trí, đức độ chỉ như vậy mà đồng chí Bình lại có thể leo đến chức Thứ trưởng Bộ Công an, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Phải chăng có ai đứng ra bảo hộ, che chắn? Đúng ra, đồng chí Trương Hòa Bình chỉ nên đảm nhiệm chức vụ Vụ trưởng, chánh tòa phúc thẩm hoặc tương tự như thế là đúng tầm, vừa sức, tránh những sai sót do thiếu năng lực, trình độ.

Ấy vậy mà, gần đây, đồng chí Trương Hòa Bình khẳng định, sẽ vào Bộ Chính trị, giữ vị trí Chủ tịch nước hoặc ít nhất cũng là Bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh. Đồng chí Trương Hòa Bình nói rằng: “Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao tương đương với Phó thủ tướng, mình cũng có nhiều ông anh ủng hộ, kiểu gì cũng được bổ nhiệm chức vụ cao hơn, 80% sẽ là Chủ tịch nước, trường hợp xấu nhất cũng là Bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh”.

Với tư cách đảng viên, chúng tôi rất lo lắng, nếu đồng chí Bình vào được Bộ Chính trị, Ban Bí thư nắm giữ vị trí cao trong cơ quan Nhà nước thì đó là đại họa Đảng, cho dân tộc và cho chính đồng chí Bình (không đủ trình độ thì rất có thể dẫn đến quyết sai, đi liền với đó là kỷ luật). Vì vậy, chúng tôi tha thiết kiến nghị Bộ Chính trị nên chuyển đồng chí Trương Hòa Bình sang làm đại biểu Quốc hội chuyên trách hoặc tương tự như thế, tạo điều kiện để đồng chí Bình phát huy tối đa năng lực, không để đồng chí Bình quyết sai các công việc liên quan xét xử tội phạm.

Nguyễn Đăng Sơn
Cán bộ Tòa án Nhân dân tối cao
(đã ký)

Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

02/08/2014 (Diễn Đàn Việt Nam 21) - Nhờ Wikileaks mà thế giới biết được một vụ tham nhũng hàng triệu đô la tại Á châu. 17 quan chức cao cấp ở Úc, Việt Nam, Mã Lai và Nam Dương đã nhận rất nhiều tiền hối lộ. Trong số đó có Trương Tấn Sang, Chủ tịch nhà nước Việt nam, thủ tướng Mã Lai Najib Razak, tổng thống Nam Dương Susilo Bambang Yudhoyono và cựu nữ tổng thống Magawati Sukamoputri. Những nhân vật này đã được doanh nghiệp in tiền tệ „Note Printing Australia and Securency” (NPAS) thuộc Ngân hàng dự trữ Úc đút lót trong thời gian từ 2001 đến 2011 để bẻ gẫy thế thượng phong của công ty Đức Giesecke & Devrient ở Munich hầu dễ dàng nhận được hợp đồng in tiền ở Á châu.  
Chủ tịch Trương Tấn Sang
Thế giới chỉ biết tin này khi Wikileaks vào ngày 29/07/2014 vừa qua đã công bố lệnh của một tòa án ở Melbourne (Úc). Theo đó ngày 19/06/2014 một thẩm phán ở đây đã phán quyết theo đơn của bộ ngoại thương – thương mại cấm mọi tường thuật về vụ tham nhũng và sử phạt nếu phổ biến lệnh cấm. Lý do: chi tiết về vụ hối lộ và những viên chức trách nhiệm trong Ngân hàng trung ương sẽ là mối đe dọa an ninh quốc gia và các quan hệ quốc tế.

Nhờ Wikileaks truyền thông Úc mới mạnh bạo đưa tin và qua Internet, thế giới biết thêm các chi tiết bẩn thỉu. Tuy nhiên, một công dân ở Úc nếu chuyển bằng E-Mail hay SMS đường link dẫn đến bài báo về đề tài này có thể bị phạt.

In tiền tệ là một thị trường kiếm tiền bạc tỉ: Công ty Giesecke & Devrient ở Munich (München), Đức, đã đạt doanh thu khoảng 2 tỉ đô la trong năm 2013. Tiền mới của A Phú Hãn phát xuất từ nhà in này. Là thị trường dễ kiếm tiền nên nhiều công ty, kể cả các doanh nghiệp in tiền của Úc đều muồn tham gia ăn phần, Úc đã muốn in tiền cho Irak trong thời gian Saddam Hussein cầm quyền dù nước này bị cấm vận.  

Một lái buôn vũ khí làm trung gian

Các cuộc trung gian mua vũ khí rất thành công ở Mã Lai. Một lái buôn vũ khí tên là Abdul Kayam đã nhận hoa hồng một triệu đô la nhờ móc nối đối tác. Brian Hood, „Bí thư công ty“ (một loại tư vấn pháp luật), nằm trong ban điều hành của NPAS từ 2004 đến 2008 đã tố giác trước dư luận việc này vào năm 2013.

Hood đã phản bác sự cam đoan vô tội của ban chấp hành ngân hàng trung ương tuyên bố rằng họ chỉ biết đến vụ bê bối hối lộ qua các tường thuật của giới truyền thông. "Người thổi còi" (**) Hood khẳng định ban chấp hành đã được thông báo từ năm 2007 nhưng chẳng có biện pháp gì.

David Chaikin, thuộc đại học thương mại Sydney tuyên bố trên đài truyền hình Úc ABC cũng trong năm qua „Đây là vụ tham nhũng tồi tệ nhất trong lịch sử Úc. Việc này không chỉ liên quan đến số tiền mà còn cho thấy sự bất lực của các cơ quan danh tiếng của quốc gia“.  

Lệnh cấm ngày 19/06 dường như chỉ tạo phản ứng ngược. Nhiều người Úc tin chắc rằng phán quyết của tòa chỉ nhằm đặc biệt bảo vệ nhóm chính trị gia chung quanh thủ tướng Tony Abbott vốn được coi là „người thanh liêm“. Qua ngày hôm sau 30/07 các quốc gia liên hệ ở Đông Nam Á vẩn còn im hơi lặng tiếng.

* Nguyên bản tiếng Đức: Die Geschäfte der australischen Gelddrucker, Willi Germund, Frankfurter Rundschau 01.08.2014

** Whistleblower: người tố giác các vụ phạm pháp kể cả vi phạm nhân quyền, hối lộ, tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức tư nhân hay nhà nước (theo wikipedia)

Tài liệu: Phán quyết của toà án Úc ngày 19/06/2014 do Wikileaks phổ biến: Australia-wide censorship order for corruption case involving Malaysia, Indonesia and Vietnam, WikiLeaks release: July 29, 2014

Nguồn: Diễn Đàn Việt Nam 21