Cơ quan nội chính và chính quyền ở tỉnh Phú Yên có thể đã có dàn xếp để tòa sơ thẩm đưa ra mức án nhẹ đối với các sỹ quan công an thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đã hành hung tới chết hôm 13/5/2012 một nghi phạm hình sự với hàng chục vết thương từ đầu tới chân.
Hôm 29/3/2014, luật sư Võ An Đôn, người đứng ra bảo vệ các quyền lợi cho người bị tử vong, ông Ngô Thanh Kiều và gia đình của nạn nhân này, nói với BBC ông tin rằng đã có sự dàn xếp của cơ quan nội chính của tỉnh Phú Yên và chính quyền để các cơ quan tố tụng đưa ra mức xử phạt giảm rất nhẹ cho các bị cáo là các viên chức công an tham gia đánh chết ông Kiều tại trụ sở công an thành phố.
Vụ xử nhóm công an TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đánh chết ông Ngô Thanh Kiều. |
Bình luận về việc Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Tuy Hòa đề nghị mức án cho phép tới bốn trên năm sỹ quan bị tố cáo đã đánh đập, tra tấn ông Kiều tới chết gần hai năm về trước, chỉ phải hưởng án treo, trong khi quan chức lãnh đạo của công an cấp thành phố và tỉnh có liên đới không hề được xét trách nhiệm, luật sư Đôn nói:
"Nếu căn cứ theo pháp luật mà truy tố về tội (sử dụng) nhục hình thì chưa đúng lắm, lẽ ra phải là cố ý gây thương tích, dẫn đến chết người mới đúng hơn...,
"Nếu theo đúng pháp luật, tất cả các bị cáo đều truy tố theo khoản 3 hết, nhưng theo đó phải theo dõi tính chất của mỗi người, ví dụ Nguyễn Thân Thảo Thành (thiếu úy) đánh trên đầu thì mức án cao hơn, còn những người đánh ít hơn mà nguy hiểm ít hơn, thì (xử mức) thấp hơn,
"Cứ căn cứ trên đó mà quyết định hình phạt... nếu nhiều người cùng đồng phạm, thì truy tố một điều luật, một khung hình phạt, chứ không phải truy tố hai khung như ở đây, chúng tôi từ hồi (tham dự xét) xử thì chưa thấy, đây là lần đầu tiên áp dụng điều đó."
Một bị cáo cười tươi ngay tại phiên xử vụ án ông Ngô Thanh Kiều bị công an Phú Yên đánh chết. |
'Ban Nội chính dàn xếp?'
Hôm thứ Sáu, 28/3, đại diện Viện Kiếm sát giữ quyền công tố đã đề nghị tòa phạt bị cáo Thành, người theo tòa đã dùng dùi cui đánh vào đầu ông Kiều gây chấn thương sọ não, chịu án tù giàm 5 năm đến 5 năm sáu tháng.
Nhưng bốn bị cáo khác gồm Thiếu tá Nguyễn Minh Quyền, Đội phó đội trinh sát, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Phú Yên, Thiếu tá Nguyễn Tấn Quang, Đội pháo Đội điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Tuy Hòa, Thượng úy Phạm Ngọc Mẫn chỉ bị đề nghị án treo từ 18-24 tháng, riêng Trung úy Đỗ Như Huy bị đề nghị án treo từ 12-18 tháng.
Bình luận về sự có mặt của Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên, ông Nguyễn Thái Học, dự khán tại phiên tòa, luật sư Đôn nói:
"Theo quan điểm của tôi, vấn đề này có sự họp các ngành, nội chính cũng như các cơ quan tiến hành tố ụng, để áp đặt mức hình phạt đó,
"Trưởng Ban Nội nội chính, thường những vụ án lớn ảnh hưởng tới dư luận thì Ban Nội chính, đại diện cho cơ quan Đảng chỉ đạo nên họp với các cơ quan đề ra một ý kiến thống nhất để dựa trên đó đưa ra mức án thích hợp,
"Ông đó sẽ chỉ đạo, Ban nội chính bên Đảng sẽ chỉ đạo cơ quan tiến hành tố tụng thì hành cho bản án đó hợp với dư luận..."
Theo luật sư Đôn, trong vụ ông Kiều, sinh năm 1982, cư trú tại thôn Mỹ Thuận Ngoài, xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, Phú Yên, bị bắt và áp giải tới trụ sở công an thành phố Tuy Hòa vào 3 giờ sáng ngày 13/5/2012 trong khi ông đang ngủ ở nhà với gia đình, xảy ra mà không hề có bất cứ lệnh bắt khẩn cấp, hoặc phê chuẩn nào của tòa án, viện kiểm sát, cho thấy cơ quan công an đã vi phạm luật tố tụng hình sự.
Và vẫn theo luật sư, người chỉ huy trực tiếp và theo dõi vụ bắt, quá trình lấy cung ông Kiều, là Phó Trưởng Công an Thành phố, ông Lê Đức Hoàn, đã phạm tội hình sự đáng bị truy tố, trong khi ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc công an tỉnh lẽ ra cũng phải chịu trách nhiệm để cấp dưới lạm dụng bạo lực nghiêm trọng, gây chết người.
'Bộ trưởng bị bịt tin'
Hôm thứ Bảy, bà Ngô Thị Tuyết, chị ruột nạn nhân Kiều, nói với BBC gia đình của em trai bà hết sức đau khổ, bức xúc, gia đình có hoàn cảnh rất nghèo khó, hai con của ông Kiều còn rất nhỏ, người con gái út ra đời chỉ trên dưới mười ngày sau khi ông Kiều bị đánh chết.
Bà Tuyết nói với BBC bà mong những thủ phạm phải bị xét xử nghiêm minh, kể cả những người có liên đới trách nhiệm và bà không đồng ý với các lời tự biện hộ của nhiều bị cáo 'chối tội' cho rằng họ chỉ ra tay nhẹ với ông Kiều hoặc ra tay không ở những chỗ trên cơ thể dẫn tới tử vong.
Cũng hôm thứ Bảy, bà Lê Hiền Đức, Chủ tịch Hội dân oan Việt Nam, Giải thưởng Liêm chính năm 2007 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, nói với BBC việc công an sử dụng nhục hình, tra tấn và lạm dụng bạo lực từ gây thương tích nặng, rất nặng tới làm chết người đối với người dân ngay ở các trụ sở cảnh sát nói riêng và trong khi 'làm việc' với dân nói chung là 'phổ biến'.
Bà cho hay riêng từ năm 2010 tới nay, đã có ít nhất 12 vụ công an đánh chết dân được biết đến trên các phương tiện thông tin đại chúng, bên cạnh rất nhiều các vụ bạo lực do công an gây thương tích nặng với dân thường, dân oan v.v...
Tuy nhiên, nhà hoạt động cho hay đa số các vụ tử vong biết được tới nay xảy ra trong nhiệm kỳ của cựu Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh, và có giảm đi trong nhiệm kỳ hiện nay của đương kim Bộ trưởng Trần Đại Quang.
"Tôi thì tôi nghĩ rằng (các vụ đó) không đến tai các ông ấy đâu, không đến đâu vì nó bịt từ dưới, không thể biết được, mà các ông ấy lại lo những việc lớn cơ, chứ con những chuyện 'nho nhỏ' này, bây giờ thử hỏi các ông ấy có biết là ngày nào, tên là gì, bị đánh chết hay không, thì chắc chắn các ông không tể biết được," bà Hiền Đức nói với BBC.
Tháng 11 năm ngoái, Việt Nam đã ký kết và tham gia Công ước Quốc tế của Liên hợp quốc về chống tra tấn và ứng xử tàn ác, gần đây, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cũng đã cam kết với Quốc hội có các biện pháp nghiêm cấm sử dụng nhục hình, bức cung, ép cung, dụ cung trong ngành công an, cũng như hứa hẹn tiến hành các hoạt động giáo dục trong lực lượng công an để chấm dứt các vi phạm này.
Nguồn: BBC